Viêm lợi nên bôi thuốc gì?

18.12.2022

Bệnh viêm lợi là bệnh lý phổ biến và thường gặp ở trẻ nhỏ, người lớn và thường gây ra những triệu chứng khó chịu, đau nhức khiến trẻ bỏ ăn, chán ăn,... Vậy thuốc bôi viêm lợi là gì? 

1. Viêm lợi là bệnh gì?

Lợi răng khỏe mạnh thường có màu hồng và không chảy máu khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa. Lợi bị chảy máu trong hơn một tuần thường là dấu hiệu của bệnh nướu răng cần được nha sĩ nhi khoa điều trị. Nếu không được điều trị, viêm lợi có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho bệnh nhân nha khoa trẻ tuổi. Cuối cùng, nó có thể tiến triển thành các dạng bệnh nha chu nghiêm trọng hơn, gây mất xương và thậm chí mất răng.

Nếu viêm lợi tiến triển không được kiểm soát, mô nướu bị viêm có thể tạo thành những khoảng trống hoặc túi nhỏ giữa răng và nướu, để lộ chân răng. Răng dần dần có thể bị lung lay và rụng hoặc cần phải nhổ bỏ.

Hôi miệng dai dẳng là dấu hiệu của viêm nha chu. Nếu không điều trị, bệnh viêm lợi có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng sau này trong cuộc sống.


2. Triệu chứng của viêm lợi như thế nào?

Triệu chứng của viêm lợi:

- Nướu đỏ, sưng.

- Chảy máu nướu răng, đặc biệt là khi bạn chải răng hoặc dùng chỉ nha khoa.

- Đau nhức nướu răng.

- Đau răng hoặc nhạy cảm với thức ăn và đồ uống nóng hoặc lạnh.

- Hôi miệng: Mảng bám răng chứa hàng triệu vi khuẩn tạo ra các chất thải có mùi hôi.

- Mô nướu bị viêm có thể tạo thành những khoảng trống hoặc túi nhỏ giữa răng và nướu.

3. Nguyên nhân gây ra viêm lợi

Bệnh viêm lợi có thể do một số yếu tố gây ra, nhưng nguyên nhân phổ biến nhất là do vệ sinh răng miệng kém. Viêm lợi xảy ra khi một lớp màng dính tự nhiên được gọi là mảng bám hình thành dọc theo đường viền nướu.

Mảng bám răng chứa vi khuẩn và sản sinh ra độc tố gây kích ứng nướu. Nếu mảng bám không được loại bỏ thường xuyên bằng cách đánh răng và dùng chỉ nha khoa đúng cách, nó sẽ biến thành một chất cặn cứng gọi là cao răng. Cao răng gây kích ứng và làm viêm lợi. Tình trạng viêm có thể dần dần tách nướu ra khỏi răng - tạo thành những khoảng trống nhỏ được gọi là “túi nha chu”.

Trẻ lớn hơn và trẻ trong độ tuổi thanh niên có thể dễ bị viêm lợi hơn. Bên cạnh đó, các thiết bị chỉnh nha cũng sẽ khiến việc vệ sinh răng miệng đúng cách trở nên khó khăn.

Các nguyên nhân khác gây ra viêm lợi ở trẻ em bao gồm:

- Thiếu vitamin C hoặc chế độ ăn uống thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết

- Nghiến răng

- Các tình trạng y tế bao gồm bệnh tiểu đường và các bệnh hệ thống hoặc bệnh tự miễn dịch

- Thay đổi nội tiết tố

- Một số loại thuốc

- Thở bằng miệng, có thể dẫn đến tình trạng nướu và răng ở phía trước miệng bị khô nghiêm trọng.


4. Viêm lợi bôi thuốc gì? 

Bé bị viêm lợi bôi thuốc gì là câu hỏi rất nhiều các bậc cha mẹ quan tâm, vì các triệu chứng của căn bệnh này có thể khiến trẻ vô cùng khó chịu. Điều trị viêm lợi nhằm mục đích kiểm soát nhiễm trùng và phục hồi răng, nướu khỏe mạnh. 

Nhiều phụ huynh nóng lòng muốn tìm thuốc bôi trị viêm lợi cho trẻ, tuy nhiên để điều trị viêm lợi, việc đầu tiên hãy đưa trẻ đến nha sĩ để làm sạch răng nhằm loại bỏ vi khuẩn có hại, mảng bám và cao răng. Với người mẹ cũng vậy, nếu muốn tìm đến thuốc bôi trị viêm lợi hãy đến khám nha sĩ để được thăm khám, nhờ sự tư vấn và tuân thủ theo đúng chỉ định dùng thuốc bôi viêm lợi.


Các phương pháp điều trị bổ sung khác bao gồm:

- Thực hiện cạo vôi răng: Cạo vôi răng loại bỏ cao răng, vi khuẩn trên răng và từ bên dưới nướu răng của bạn. Bào phẳng bề mặt của chân răng. Bước này giúp ngăn vi khuẩn bám vào.

- Phục hồi răng: Nha sĩ của bạn có thể sửa hoặc loại bỏ mão răng, miếng trám hoặc cầu răng bị chìa ra ngoài hoặc không vừa khít. Các bề mặt nhẵn hơn sẽ dễ dàng giữ sạch hơn.

Khuyến nghị thói quen vệ sinh răng miệng: Vệ sinh răng miệng tốt thường giúp loại bỏ tình trạng viêm lợi. 

- Thuốc điều trị: Nước súc miệng kháng khuẩn có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại.

- Trong các trường hợp viêm lợi nặng, bác sĩ có thể kê đơn các thuốc như kháng sinh, kháng viêm, giảm đau. Các thuốc bôi viêm lợi cho mẹ và bé được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ như gel bôi PerioKin (chlorhexidine 0,2%), Metrogyl Denta (metronidazole benzoate BP, chlorhexidine gluconate solution BP 20%), Dentosmin P (chlorhexidinebis 1%).